Thứ Năm, 21/11/2024

Sở Giao thông vận tải Ninh Bình

Quy hoạch chung Đô thị Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050: Một trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh Ninh Bình; Trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế.

Thứ Tư, 28/12/2016
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

    Ngày 28/7/2014, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.      

Theo quy hoạch được duyệt, đô thị Ninh Bình không chỉ là là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, du lịch của tỉnh Ninh Bình mà còn là trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; và là đô thị đầu mối giao thông, cửa ngõ phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.

          Phạm vi lập quy hoạch có diện tích 21.052 ha, bao gồm: toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn; xã Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô; xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính xã Yên Sơn và phường Tân Bình thuộc thị xã Tam Điệp, xã Sơn Lai và xã Sơn Hà thuộc huyện Nho Quan. 

 

Một góc đô thị Ninh Bình (Ảnh: Nam Dương)  

 

Theo quy hoạch, Đô thị Ninh Bình sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa tâm, gồm:

+ Khu vực đô thị trung tâm tập trung chủ yếu tại thành phố Ninh Bình, thị trấn Thiên Tôn;

+ Các khu vực đô thị phụ trợ là đô thị Bái Đính và các trung tâm Ninh Hải - Ninh Thắng, Ninh Vân, Mai Sơn kết nối bằng hệ thống giao thông đô thị và vùng cảnh quan di sản văn hóa thiên nhiên;

+ Quần thể danh thắng Tràng An; vùng sinh thái nông nghiệp là vùng đệm xanh bảo vệ Quần thể danh thắng Tràng An và hạn chế phát triển lan tỏa của khu vực đô thị trung tâm.

  Không gian đô thị Ninh Bình được phân thành bốn phân vùng phát triển, cụ thể:

Khu vực đô thị trung tâm (gồm: Khu đô thị hiện hữu; khu đô thị mở rộng về phía Nam; khu đô thị mở rộng về phía Bắc); gồm thành phố Ninh Bình và thị trấn Thiên Tôn; là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, giáo dục đào tạo chất lượng cao tỉnh Ninh Bình với diện tích xây dựng đô thị khoảng 5.331 ha.

Khu vực Bái Đính (gồm: Khu đô thị Bái Đính; khu nông thôn Bái Đính); là khu du lịch tâm linh và khu đô thị đại học mới với diện tích khoảng1.330÷1.460 ha.

Quần thể danh thắng Tràng An (gồm: Cố đô Hoa Lư; khu du lịch Tràng An - Tam Cốc - Bích Động; rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư); là vùng lõi di sản văn hóa - thiên nhiên danh thắng Tràng An, bao gồm ba khu vực là Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa.

Vùng nông thôn (gồm: Trung tâm Ninh Hải - Ninh Thắng; trung tâm Ninh Vân; trung tâm Mai Sơn; khu nông thôn) là vùng đất thuộc một phần các xã Trường Yên, Ninh Hòa, Ninh Xuân Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh An, Ninh Vân, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phong, Ninh Phúc, Khánh Hòa, Khánh Phú, Yên Sơn, Tân Bình và toàn bộ Mai Sơn, xung quanh phía Đông Nam Quần thể danh thắng Tràng An. Trong đó đất xây dựng khu dân cư nông thôn khoảng 1.060 ha, đất xây dựng cơ sở kinh tế kỹ thuật tạo động lực phát triển đô thị 682 ha.

Về Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông:

Về giao thông đối ngoại:

- Đường bộ: Ngoài các tuyến đường QL.1, QL.10 được xây dựng theo quy mô dự án đang triển khai, QL.38B sẽ được xây dựng đạt tiêu chuần đường cấp II, 2 làn xe. Xây dựng mới 3 bến xe khách đạt tiêu chuẩn loại I; Trong đó ưu tiên các dự án QL.12B, QL.1 tránh thành phố Ninh Bình, Đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa.

- Đường sắt: đến năm 2015, xây dựng hoàn chỉnh ga đường sắt mới tại phường Nam Bình trở thành ga trung chuyển hàng hoá lớn ở miền Bắc, ga đường sắt hiện tại chuyển đổi thành ga hàng hóa, kho bãi tập kết hàng hóa; nâng cấp đường sắt hiện có đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp I.

- Đường thủy: Cải tạo nạo vét luồng tuyến, nâng cấp, xây mới các cảng bến thủy dọc các sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vạc phục vụ giao thông thủy liên kết với mạng lưới vận tải và du lịch toàn quốc;

- Đường hàng không: Xây dựng mới sân bay taxi Tràng An tại khu vực Sơn Lai  phù hợp với quy hoạch ngành GTVT.

Về giao thông đối nội:

- Giao thông đô thị: Mạng lưới đường xây dựng theo mạng ô bàn cờ, hình thành các trục theo hướng Đông – Tây và Bắc – Nam;

- Giao thông nông thôn: Cải tạo nâng cấp các tuyến đường hiện có; đến năm 2015 100% đường xã đượng BTXM hoặc nhựa hóa; mật độ đường đến năm 2020 đạt 3 km/km2;

- Giao thông công cộng: Xây dựng hệ thống xe bus vận tải hành khách công cộng đô thị và liên kết với khu vực lân cận; Xây dựng một số tuyến xe bus nhanh kết nối khu vực trung tâm với khu du lịch Tràng An – Bái Đính – Cúc Phương; tỷ lệ vận tải công cộng bằng xe bus đạt trên 30% vào năm 2020 và trên 40% vào năm 2030;

Giao thông thủy: Cải tạo, nạo vét, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa và hệ thống luồng lạch, thung nước, trong các khu du lịch đảm bảo kết nối đường thủy nội địa; Xây dựng mới cảng hành khách Hoàng Long, cảng hành khách Ninh Bình, các bến thuyền phục vụ du lịch đường thủy.

Cũng theo quy hoạch được duyệt, định hướng phát triển hệ thống công sở, an ninh, quốc phòng: sẽ giữ nguyên vị trí khu trung tâm hành chính cấp tỉnh tại phường Đông Thành, Vân Giang; khu Trung tâm hành cấp cấp thành phố đặt tại Phường Thanh Bình; Các công trình hành chính cấp tỉnh sẽ đặt ở phía Bắc Quảng trường Đinh Tiên Hoàng với diện tích khoảng 10ha; Ngoài ra, các cơ quan cấp tỉnh và thành phố được quy hoạch với quy mô 16 ha tại xã Ninh Nhất; trụ sở thuộc cấp Bộ, ngành Trung ương được quy hoạch tại Phường Ninh Phong.

Huế Thương

Liên kết website
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Tổng số: 2413415

Trực tuyến: 25

Hôm nay: 2062

Trong tháng: 2062

Trong năm: 36298