Thứ Năm, 21/11/2024

Sở Giao thông vận tải Ninh Bình

Tổng hợp những điểm mới Nghị định 71/2023/NĐ-CP về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Thứ Sáu, 20/10/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Nghị định 71/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 20/9/2023 với một số điểm mới sau đây:

1. Cán bộ, công chức vi phạm ở cơ quan cũ sang cơ quan mới vẫn có thể bị kỷ luật

Đây là điểm mới nằm trong phần các nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với vị trí hiện đang đảm nhiệm.

Như vậy, theo quy định mới này thì cán bộ, công chức vi phạm ở cơ quan cũ sang cơ quan mới vẫn có thể bị kỷ luật.

2. Thay đổi hình thức kỷ luật đảng thì phải thay đổi hình thức kỷ luật hành chính tương xứng

Đây tiếp tục là điểm mới nằm trong phần nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật về đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có), trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật quy định tại Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về đảng. Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP; nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc xác định hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về đảng cao nhất thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật để tham mưu; tham khảo ý kiến bằng văn bản của tổ chức Đảng ra quyết định xử lý kỷ luật đảng viên trước khi quyết định.

Trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về đảng thì phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng.

Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới (nếu còn). Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.

3. Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng

Trong đó, về nguyên tắc xử lý kỷ luật, Nghị định 71/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành; đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp đã có quyết định kỷ luật về đảng thì hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về đảng có hiệu lực. Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật trong thời gian đang thi hành quyết định xử lý kỷ luật thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức.

Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cấp có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định pháp luật tương ứng với vị trí cán bộ, công chức, viên chức hiện đang đảm nhiệm.

Đối với trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ có trách nhiệm cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm và cử người phối hợp trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật. Các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng và các quy định khác có liên quan được tính ở đơn vị cũ.

4. Cha mẹ chồng không được làm thành viên Hội đồng kỷ luật công chức

Cụ thể, Nghị định 71/2023/NĐ-CP quy định: Không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm.

(Trong khi trước đây tại khoản 4 Điều 28 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định: Không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm của công chức bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật).

Như vậy, so với trước đây thì Nghị định 71/2023/NĐ-CP bổ sung thêm cha, mẹ (vợ hoặc chồng), anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng không được cử làm thành viên Hội đồng kỷ luật.

5. Thêm trường hợp công chức bị kỷ luật khiển trách

Nghị định 71/2023/NĐ-CP tại Điều 8 sửa đổi 2 trường hợp công chức bị kỷ luật khiển trách gồm:

Né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng; không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

(Trước đây quy định: Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị)

Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.

(So với trước đây, Nghị định 71/2023/NĐ-CP bổ sung cụm từ “quy định khác của Đảng” vào trường hợp vi phạm nêu trên).

6. Sửa quy định về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật

Hiện hành, cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.

Trước đây: Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

7. Quy định chuyển tiếp về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

- Các trường hợp áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức 2008Luật Viên chức 2010Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019:

+ Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm và đã thực hiện quy trình xử lý kỷ luật trước ngày 15/11/2022;

+ Đã có kết luận của cấp có thẩm quyền về hành vi vi phạm, đã có quyết định xử lý kỷ luật về đảng có hiệu lực trước ngày 15/11/2022 nhưng chưa xử lý kỷ luật hành chính.

- Đối với các hành vi vi phạm đã thực hiện quy trình xử lý kỷ luật trước ngày Nghị định 71/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (20/9/2023) thì tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện quy trình để xử lý; đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực, còn trong thời hiệu nhưng chưa xử lý thì áp dụng quy định của Nghị định này.

- Không xem xét lại quyết định xử lý kỷ luật đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị định 71/2023/NĐ-CP có hiệu lực (20/9/2023), trừ trường hợp giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 42 Nghị định 112/2020/NĐ-CP và quyết định khác về việc xử lý kỷ luật đã có hiệu lực trước ngày 20/9/2023.

- Trường hợp giữ chức vụ, chức danh của Hội đồng nhân dân, là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách có hành vi vi phạm trước ngày 20/9/2023, còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 71/2023/NĐ-CP thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật theo quy định.

Phương Anh

Liên kết website
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Tổng số: 2412161

Trực tuyến: 22

Hôm nay: 808

Trong tháng: 808

Trong năm: 35044