Thứ Sáu, 29/03/2024

Sở Giao thông vận tải Ninh Bình

NGÀY PHÁP LUẬT NĂM 2018 - TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT

Thứ Tư, 12/09/2018

 Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị thiên tài, danh nhân văn hóa thế giới mà Người còn là nhà lập pháp tài ba. Người có một tư duy pháp lý nhạy bén, gần như thiên bẩm, hiểu thấu và thi hành một cách sáng tạo lý luận và thực tiễn chế độ Nhà nước - Pháp quyền của thời đại và của thế giới văn minh. Trong suốt cuộc đời Người luôn quan tâm đến công tác xây dựng và thực thi pháp luật đồng thời Người cũng chính là tấm gương sáng về việc chấp hành triệt để các quy định của pháp luật. Hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước liên chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, chúng ta cùng đi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng và thực thi pháp luật.

Thứ nhất, sự cần thiết của việc thiết lập và thực hiện “chế độ pháp trị” thống nhất trong phạm vi cả nước 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật là đặc trưng của nhà nước kiểu mới, là biện pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân non trẻ mới được thành lập. Người viết: "thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Đó là nhiệm vụ tích cực"[1]. Chế độ pháp trị theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chế độ trong đó pháp luật được đề cao, được tôn trọng và triệt để tuân theo. Chỉ có thể thực hiện chế độ pháp trị đó thì Nhà nước dân chủ mới có thể tồn tại và phát triển bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện "chế độ pháp trị" ở Việt Nam. Người đã soạn thảo Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ dân chủ cộng hoà Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ pháp luật của tất cả người dân Việt Nam. Người viết: "Toàn thể nhân dân, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng và nghề nghiệp, đều phải giữ gìn trật tự và ra sức ủng hộ chính quyền nhân dân, tuân theo pháp luật của Chính phủ và mệnh lệnh của quân đội"[2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã thấm nhuần sâu sắc quan điểm của V.I. Lênin về tính thống nhất của pháp chế XHCN. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có pháp chế thống nhất thì uy quyền của Nhà nước mới mạnh. Sức mạnh đó thể hiện ở sức mạnh thống nhất, ở hiệu lực hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước, ở sự nhịp nhàng, ăn khớp trên nền tập trung dân chủ, chống lại mọi biểu hiện phân tán, thiếu đồng bộ trong áp dụng pháp luật. Người đã rất nhiều lần phê phán tình trạng cục bộ, phân tán, thiếu thống nhất từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương và giữa các ngành và các địa phương khác nhau. Trong Thông tư số 155-TTg ngày 10/4/1952, nhân danh Thủ tướng Chính phủ, Người chỉ rõ: "Một khuyết điểm lớn hiện nay đang làm trở ngại nhiều cho công tác chúng ta là tình trạng thiếu thống nhất từ cấp trên xuống cấp dưới, giữa các ngành ở mỗi cấp… Đến mỗi cấp, sự thực hiện công tác càng phân tán, càng thiếu phối hợp. Phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ"[3]. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện pháp luật thống nhất, theo Người, thực chất cũng là nhằm chống lại tư tưởng tự do chủ nghĩa. Người chỉ rõ thế nào là tự do chủ nghĩa và những biểu hiện của tự do chủ nghĩa là: "Không nghiêm chỉnh chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, không tôn trọng pháp luật và thể lệ của Nhà nước, tự cho mình là đúng, phát biểu theo ý riêng, không báo cáo và xin chỉ thị cấp trên, xem thường tổ chức và kỷ luật"[4]. Người đã kịch liệt phê phán những cán bộ bị trói buộc bởi chủ nghĩa cá nhân và thiếu ý thức pháp luật, không triệt để tuân theo pháp luật. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội (ngày 1/2/1961), Người đã nêu những ví dụ về tình trạng vi phạm pháp luật của cán bộ. Đó là: "Đối với nhân dân thì quan liêu, mệnh lệnh, xem thường pháp luật, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân (như có khi khám xét nhà mà không báo trước cho chủ nhà). Đây chính là những biểu hiện vi phạm pháp chế nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tính thống nhất và nghiêm minh của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, phải đề cao vai trò và bảo đảm hiệu lực tối cao của Hiến pháp và luật 
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đề cao giá trị của Hiến pháp trong đời sống chính trị - xã hội không chỉ thể hiện khát vọng lớn lao của Người trên những bài viết, lời nói, mà còn được thể hiện bằng hành động cách mạng thực tế. Ngay từ năm 1919, trong Yêu sách của nhân dân An Nam gồm tám điểm gửi đến Hội nghị Vécxây, đã có bốn điểm liên quan đến pháp luật. Về sau, để dễ tuyên truyền và phổ biến rộng rãi trong quần chúng, Người đã chuyển bản yêu sách trên thành “Việt Nam yêu cầu ca”, trong đó có đặt ra các vấn đề về lập pháp: “Hai xin pháp luật sửa sang – Người Tây, người Việt, hai phương cùng đồng”; “Bảy xin Hiến pháp ban hành – Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Người cho rằng, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà non trẻ mới được thành lập cần phải dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc thì mới tiếp tục được duy trì và phát triển. Và cơ sở pháp lý cao nhất ở đây chính là Hiến pháp. Do vậy, ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng, trong đó có nhiệm vụ ban hành Hiến pháp. Người viết: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng các quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ"[5].
Theo Hiến pháp năm 1946, cơ chế bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp ở Việt Nam đã được biểu hiện rõ nét ở quy định về thủ tục lập hiến và sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt, thông qua hình thức phúc quyết của nhân dân. Điều 21 và Điều 70 Hiến pháp năm 1946 quy định: "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp"; "Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu. b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi. c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng thuận thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết".
Thứ ba, trong xây dựng và thực thi pháp luật phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, mọi chủ thể phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không có ngoại lệ
Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng của pháp chế XHCN và cũng chính là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyên tắc này xuất phát từ luận điểm nổi tiếng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình và trước toàn thể quốc dân đồng bào, đó là: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng". Điều đó có nghĩa là, mọi công dân đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Chính vì vậy, việc tuân theo pháp luật là trách nhiệm của mọi công dân. Đây cũng chính là một đặc trưng của Nhà nước pháp quyền; theo đó, nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật không chỉ từ phía người dân mà cả từ phía các cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước. 
Là một nhà lập pháp, chắc chắn chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ giá trị của pháp luật, hiểu rõ tính “bắt buộc chung” của pháp luật. Có thể nói, cốt cách một nhà lập pháp đã góp phần tạo nên tinh thần thượng tôn pháp luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Người, dù là một Chủ tịch nước hay một công dân, pháp luật luôn luôn phải được thượng tôn, luôn luôn được chấp hành nghiêm chỉnh. Là một nhà lập pháp, Người không đặt ra những biệt lệ cho cá nhân mình. Là một Chủ tịch nước, Người không có đặc quyền nào. Và là một công dân, Người mong muốn được thực hiện quyền công dân của mình theo đúng quy định của pháp luật. Tinh thần thượng tôn pháp luật của Bác được thể hiện rõ nét qua những câu truyện dưới đây.
Câu chuyện thứ nhất
Đầu năm 1946, nước ta chuẩn bị cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên. Cũng giống như các ứng cử viên khác, Bác cũng được giới thiệu ra ứng cử tại Hà Nội. Thế nhưng, gần đến ngày bầu cử, 118 vị là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đã công bố bản đề nghị: "Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới.Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa".Từ nhiều nơi trong cả nước, đồng bào ta cũng viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước nhất trí cử Bác vào Quốc hội.
Trước tình cảm, tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân như thế, Bác đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: “Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của tổng tuyển cử đã định, tôi đã ra ứng cử ở Hà Nội nên tôi không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”.
Câu chuyện thứ hai – Nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ
Sau ngày hoà bình lập lại, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ. Hôm ấy là ngày lễ, các vị sư, và nhân dân đi lễ rất đông. Bác vừa vào chùa vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Người đừng cởi dép nhưng Bác không đồng ý. Đến thềm chùa Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người, song mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ. Trên đường từ chùa về, khi vào đến thành phố, xe Bác đến một ngã tư thì vừa lúc đèn đỏ bật. Sợ phố đông xe dừng lâu, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị đồng chí công an bật đèn xanh để Bác đi. Bác hiểu ý ngăn lại: “Các chú không được làm thế! Phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông, không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình”.
Hai câu chuyện nêu trên chỉ là một trong số rất ít những câu chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Hai câu chuyện, hai bối cảnh, hai thời điểm nhưng đều chung một “chủ thể”, chung một phong cách mẫu mực – phong cách Hồ Chí Minh với tinh thần thượng tôn pháp luật. Ở câu chuyện thứ nhất, dù được nhân dân tuyệt đối tín nhiệm nhưng Người vẫn muốn làm đúng pháp luật, muốn được thực hiện đúng quyền công dân của mình là quyền ứng cử – quyền công dân mà hơn 80 năm tranh đấu, từ ngày Thực dân Pháp xâm lược, mới có thể có được. Trong câu chuyện thứ hai, với cương vị là Chủ tịch nước, người không mong muốn mình được hưởng đặc lợi, đặc quyền nào. Người nghiêm chỉnh thực thi “lệ” ở chùa, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông ở đường phố.
Tác phong, tinh thần thượng tôn pháp luật của Bác cho thấy một đặc điểm rất cơ bản, mang tính đặc trưng của pháp luật. Đó là tính bình đẳng, công bằng của pháp luật. Trước pháp luật, mọi công dân, mọi người đều bình đẳng như nhau và đều phải tuân theo pháp luật. Dù là công dân hay là Chủ tịch nước, không ai được hành xử vượt khỏi khuôn pháp luật đã định.
Bốn là, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm 
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sâu sát thực tế, nắm vững tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật bởi các cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước. Người hiểu rõ nguyên nhân của thực trạng vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật công tác của cán bộ nhà nước, cơ quan nhà nước và chỉ đạo về phương châm cũng như những biện pháp cụ thể để phòng, chống những vi phạm pháp luật đó. Trong bức thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (ngày 17/tháng/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
"Ở các địa phương, những khuyết điểm to nhất là:
a) Khuynh hướng chật hẹp và bao biện…
b) Lạm dụng hình phạt…
c) Kỷ luật không đủ nghiêm…"[6].
Bức thư nói trên tuy chỉ gửi cho các cán bộ ở tỉnh Nghệ An nhưng nó cũng có tác dụng giáo dục rất sâu sắc đối với nhiều địa phương khác. Tình trạng vi phạm pháp chế, vi phạm kỷ luật công tác, trái đạo đức cách mạng của cán bộ được Bác nêu ra trong bức thư này cũng là tình trạng xảy ra ở nhiều địa phương. Với tinh thần cầu thị tiến bộ, Bác nhắc nhở cán bộ:
"Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay,
Chúng ta không sợ có khuyết điểm,
Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi,
Chúng ta phải lấy lòng "chí công vô tư",
Chúng ta phải hiểu rõ và làm theo đúng chính sách của Chính phủ thì những khuyết điểm nói trên sẽ dễ sửa đổi và sự toàn dân đoàn kết sẽ càng vững vàng"[7].
Từ chỗ kịch liệt lên án tình trạng thi hành kỷ luật không nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng chức quyền để vi phạm pháp luật, hoặc dung túng, bao che cho những hành vi phạm pháp. Theo Người, nếu những hành vi vi phạm pháp luật không bị trừng phạt, thì sự buông lỏng đó sẽ là tiền đề gây ra những hành vi phạm pháp tiếp theo. Hơn nữa, nó còn gây nên tâm lý coi thường pháp luật, gây tổn hại cho pháp chế và trật tự pháp luật. Trong Bức thư gửi các đồng chí Bắc Bộ (ngày 1/3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc. Có đồng chí đáng phải bị trừng phạt, nhưng vì cảm tình, nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ cho nhau, lừa dối cấp trên, giấu diếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật"[8].
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rõ ràng, dứt khoát về tính nghiêm minh của pháp luật: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Trong kháng chiến chống Pháp (9-1950), Đại tá, Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bớt xén phần cơm áo của bộ đội để sống trác táng, trụy lạc. Theo luật, án tử hình được quyền đệ đơn lên Chủ tịch nước xin ân giảm. Trần Dụ Châu cũng đã viết đơn xin ân giảm gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù rất đau lòng, chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin ân giảm này, bởi lẽ: “Với loài sâu mọt đục khét nhân dân, nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây, thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, trách nhiệm nặng nề nhất thuộc về các cơ quan tư pháp. Người đã rất nhiều lần tham dự và chỉ đạo hoạt động của các cơ quan thanh tra và tư pháp. Trong bức thư gửi Hội nghị Tư pháp tháng 2/1948, Người viết: "Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, là làm gương cho dân về mọi việc… Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương "trọng công, thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo"[9]. Như vậy, theo Người, đối với cán bộ tư pháp, ngoài những phẩm chất cần thiết khác, trước hết họ phải vì lợi ích chung, giữ gìn pháp luật, vô tư, không được thiên vị, tư thù, tư oán, không được tự cho mình đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Cán bộ tư pháp phải có được phẩm chất ấy thì công tác xét xử mới đáp ứng được yêu cầu cao nhất là bảo đảm tính nghiêm minh và công bằng. 
Qua nghiên cứu tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng và thực thi pháp luật, chúng ta cũng thấy được rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đặt nền móng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chính Người còn là hình mẫu công dân trong một Nhà nước pháp quyền với đầy đủ những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền – dân chủ và thượng tôn pháp luật. Hiện nay, chúng ta cũng đang tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền như Điều 2 Hiến pháp đã ghi nhận: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Học tập và làm theo tinh thần, phong cách thượng tôn pháp luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cần tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Đồng thời, tích cực tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để pháp luật ngày càng đi vào đời sống và phát huy hiệu quả./. 
Thùy Dung
 
[1] Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1985, tr. 250.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, T.6, tr. 564.
[3] Hồ Chủ tịch và pháp chế, Hội Luật gia Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1985, tr. 169.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, tr. 24.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tập 4, tr. 8.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr. 20-21
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr. 21.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr. 73.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr. 381-3
 
Liên kết website
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Tổng số: 1535656

Trực tuyến: 9

Hôm nay: 1378

Trong tháng: 1378

Trong năm: 34536