Thứ Bảy, 27/07/2024

Sở Giao thông vận tải Ninh Bình

Mục đích, ý nghĩa của Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9/11

Thứ Tư, 28/12/2016
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

 

Theo đề xuất của Chính phủ, ngày 9/11- ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật); đã được chính thức luật hoá trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013. Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật 2013 quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Như vậy, sau quy định của Hiến pháp về ngày Quốc khánh, đây là lần đầu tiên, chúng ta có một đạo luật quy định về một sự kiện chính trị, pháp lý được tổ chức hàng năm –Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Chương 2 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2013 của Chính phủ đã quy định cụ thể nội dung, hình thức, trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật. Những quy định trên đã tạo cơ sở pháp lý để Ngày Pháp luật thực sự trở thành một sự kiện chính trị, pháp lý huy động sự tham gia của toàn dân.

Mục đích, ý nghĩa cụ thể của Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam là:

Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật

Ngày Pháp luật được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, trong ngày này mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan toả sâu rộng để từ một ngày này góp phần 364 ngày còn lại đều là Ngày Pháp luật.

Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật

Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch; ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hoà các lợi ích trong xã hội. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

Đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, tạo nên sự bền vững của ý thức bảo pháp luật, kỷ cương, phép nước

Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương phép nước, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

- Bản chất của Nhà nước pháp quyền chính là tính thượng tôn của pháp luật trong tổ chức đời sống kinh tế, xã hội của một quốc gia. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện, bao gồm tính thống nhất, ổn định, minh bạch, công bằng và dân chủ. Tổ chức Ngày Pháp luật góp phần đáp ứng các yêu cầu trên và trở thành một trong những điều kiện quan trọng thức đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

-Xây dựng Nhà nước pháp quyền đòi hỏi việc nâng cao mạnh mẽ nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân, thể hiện thái độ của các thành viên trong xã hội đối với kỷ cương, pháp luật; là sự đánh giá và ghi nhận tính công bằng của pháp luật. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người. Bởi vậy, phổ biến, giáo dục pháp luật được coi là khâu đầu tiên của việc thi hành pháp luật, là cầu nối để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật.

- Đối với việc thi hành pháp luật, tổ chức Ngày Pháp luật nhằm động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng; quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng nền hành chính trong sạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, khả năng thực thi pháp luật trong mọi hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế xã hội và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Hướng tới xây dựng nền văn hoá pháp lý

Văn hoá pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền, trách nhiệm của mỗi người. Để hình thành nền văn hoá pháp lý, nâng cao trình độ dân trí pháp lý cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Lối sống theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các thói quen ứng xử theo pháp luật của con người ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời khi có áp lực từ bên ngoài. Lối sống theo pháp luật đòi hỏi trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức về sự cần thiết và giá trị xã hội của pháp luật từ phía các cá nhân; ý thức tự nguyện, từ những lợi ích, từ mức độ hài lòng của dân chúng vào hệ thống pháp luật mà họ được thụ hưởng, từ thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật./.  

(Trích Phụ lục Ban hành kèm theo Chỉ thị số 21/CT-BGTVT ngày 8 tháng 11 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải)

Liên kết website
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Tổng số: 1764498

Trực tuyến: 17

Hôm nay: 2101

Trong tháng: 2101

Trong năm: 15672