Thứ Bảy, 27/07/2024

Sở Giao thông vận tải Ninh Bình

Ngành Giao thông vận tải - 70 năm xây dựng và phát triển (1945-2015)

Thứ Tư, 28/12/2016
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

           Sáng ngày 27/8, ngành Giao thông vận tải Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành GTVT tại Hội trường UBND tỉnh Ninh Bình.

Đến dự buổi Lễ có các đồng chí Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ GTVT, đồng chí Nguyễn Tiến Thành – Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch – Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng TCĐBVN, các đồng chí Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức trong tỉnh, các đồng chí nguyên là cán bộ ngành Giao thông vận tải Ninh Bình và đông đảo CBCNV-LĐ ngành GTVT Ninh Bình.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND trao tặng bức trướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND cho Sở Giao thông vận tải

Chào mừng Lễ kỷ niệm thành lập ngành, đội văn nghệ ngành GTVT Ninh Bình gồm các CBCNV-LĐ trong ngành đã gửi tới các vị đại biểu, khách quý những bài hát thể hiện tinh thần, sức chiến đấu của ngành GTVT từ những ngày đầu mới thành lập.

Khai mạc buổi lễ, đồng chí Lê Trọng Thành – Phó bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình đã ôn lại lịch sử vẻ vang, tự hào của ngành giao thông vận tải.

Giao thông đi trước mở đường

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thông cáo của Chính phủ thành lập Bộ Giao thông công chính, tiền thân của Bộ Giao thông vận tải. Ngay sau đó, Uỷ ban hành chính kháng chiến Ninh Bình đã có quyết định thành lập Ty giao thông công chính Ninh Bình, trụ Sở ở Sào Lâm – Nho Quan, hoàn thiện bộ máy của ngành Giao thông thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Kể từ thời điểm lịch sử ấy, ngành GTVT Ninh Bình cùng cả nước bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian nan nhưng rất đỗi tự hào, một lòng một dạ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và lời chỉ dạy của Bác Hồ, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vận mệnh của ngành luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc qua mỗi bước thăng trầm.

 

Từ khi thành lập còn non trẻ, ngành GTVT đã cũng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thực hiện lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chi Minh, ngành GTVT Ninh Bình đã bám sát chủ trương, đường lối chính trị, tham mưu chính xác, kịp thời cho Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh thực hiện chủ trương chính sách của Đảng. Khi Đảng đề ra chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, cán bộ ngành giao thông là những người đi đầu trong việc phá huỷ cầu, đường nhằm ngăn chặn bước tiến quân của địch. Cũng chính lực lượng ấy, khi chuyển sang thế phản công, lực lượng giao thông vận tải đã cùng quân, dân Ninh Bình gấp rút xây dựng, sửa chữa, mở đường, vận tải quân lương phục vụ kháng chiến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng, ngành GTVT cùng quân dân trong tỉnh đã tổ chức và huy động được 129.828 lượt người đi dân công, vận tải 15.315 tấn lương thực cho mặt trận. Với những thành tích đã đạt được trong kháng chiến chống Pháp, ngành GTVT Ninh Bình đã được Đảng, Nhà nước tặng 850 huân, huy chương các loại, trên 1.200 bằng khen, giấy khen.

Khi miền Bắc bước vào công cuộc khôi phục phát triển kinh tế, với lực lượng sẵn có, ngành GTVT Ninh Bình nhanh chóng tiến hành sửa chữa, khôi phục, cải tạo, mở mới các tuyến đường phục vụ sản xuất. Với việc tuyến QL.1A được xây dựng đi qua tỉnh Ninh Bình, nhiều con đường, cây cầu, cảng sông được đầu tư xây dựng đã hình thành cơ bản mạng lưới giao thông phục vụ đời sống, sản xuất và nhiệm vụ của thời kỳ cách mạng mới.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bị bọm đạn kẻ thù tán phá cơ sở hạ tầng nặng nề, cùng với cả dân tộc, ngành GTVT Ninh Bình lại lao vào cuộc trường chinh đánh giặc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Đáp lại lời kêu gọi của Đảng, hàng vạn cán bộ, công nhân viên ngành GTVT, TNXP đã lên đường đến với những chiến trường ác liệt nhất, xông ra tuyến đầu lửa đạn để giữ vững mạch máu giao thông. Là lực lượng nòng cốt, ngành GTVT cùng toàn quân và dân trong tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ cho mạch máu giao thông thông suốt, đảm bảo vận tải chi viện cho tiền tuyến với ý chí sắt đá: “Bất kể tình huống nào cũng chỉ cho phép tắc giờ, tắc điểm chứ không cho phép tắc tuyến” , hay “địch phá, ta sửa ta đi”… Với tinh thần sắt đá ấy, ngành GTVT Ninh Bình đã đạt nhiều chiến công góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Ngành GTVT Ninh Bình đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 38 Huân chương, trong đó có 2 Huân chương kháng chiến hạng nhất, gần 500 bằng khen của Trung ương và Tỉnh, 6 cờ thi đua của bộ, 300 danh hiệu chiến sỹ thi đua… Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn này, ngày 31/8/2004, ngành GTVT Ninh Bình đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hung lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, để góp phần thực hiện di chúc của Bác “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” ngành GTVT Ninh Bình đã bắt tay vào khôi phục, cải tạo hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh. Từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, được sự chỉ đạo trực tiếp của HĐND, UBND, Bộ GTVT, các thế hệ CBCNV-LĐ ngành GTVT Ninh Bình đoàn kết, thống nhất, từng bước vượt qua khó khăn, phát huy nội lực mạnh mẽ, tranh thủ mọi sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả từ TW đến địa phương và đã đạt được nhiều thắng lợi quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

70 năm xây dựng và phát triển

Trải qua hành trình 70 năm gian khổ nhưng đầy tự hào cùng sự phát triển của giao thông cả nước, đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thiện. Nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo như tuyến cao tốc Ninh Bình – Pháp Vân đã giảm thời gian vận tải từ Ninh Bình đến thủ đô Hà Nội chỉ còn 1 giờ, 2 tuyến cao tốc Ninh Bình – Thanh Hoá, Ninh Bình – Hải Phòng đang được triển khai, sẽ kết nối Ninh Bình với các khu trọng điểm trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 178km, 21 tuyến đường tỉnh dài 283,14 km và nhiều tuyến đường địa phương kết nối hệ thống giao thông Ninh Bình thành 1 mạng lưới liền mạch. Đường GTNT đi vào đường làng, ngõ xóm làm thay đổi bộ mặt khu vực Nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Đường thuỷ nội địa có 16 tuyến có thể khai thác vận tải với tổng chiều dài 298,8km. Hệ thống cảng thuỷ nội địa đáp ứng đc nhu cầu vận tải trong tỉnh và ra toàn quốc và quốc tế. Tuyến đường sắt Bắc – Nam qua Ninh Bình dài 21,6km với 4 ga vận chuyển hành khách và hàng hoá, kết nối với hệ thống đường bộ và đường thuỷ tạo thành mạng lưới giao thông thống nhất.

Trong công tác vận tải, phương tiện, người lái, hiện nay tỉnh đã có 25 đơn vị tham gia vận tải hành khách so với 2 đơn vị tại thời điểm tái lập tỉnh, nhiều hình thức vận tải được khai thác như vận tải hành khách tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi… với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao đã giúp cho việc đi lại của người dân ngày càng dễ dàng và thuận tiện. Công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX đã có sự đổi mới và tiến bộ, đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo lái xe, khám, kiểm định phương tiện. Các hoạt động về giao thông vận tải được quản lý tốt, đủ khả năng phục vụ các dịp Lễ, tết, đón các đoàn khách hội nghị cấp cao quốc tế về làm việc tại Ninh Bình và phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.

Trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, ngành GTVT đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp như: tập trung xoá các “điểm đen” về tai nạn giao thông; kiểm soát chặt chẽ phương tiện, từng bước loại bỏ các phương tiện cũ nát; tăng cường giám sát chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe… Công tác kiểm tra tải trọng xe được đặc biệt quan tâm. Trạm cân tải trọng xe được duy trì hoạt động 24h/24h và 07 ngày trong tuần trên  các tuyến trọng điểm. Đến nay, tình trạng xe quá khổ giảm từ 20% xuống 5% so với ngày đầu thực hiện Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Trong liên tục 13 năm (2002-2014) TNGT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết. Ghi nhận kết quả này, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đánh giá cao Ninh Bình là tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác đảm bảo TTATGT và được Chính phủ tặng bằng khen.

Thêm nhiều thành tích trong công tác tổ chức cán bộ, cải cách hành chính, phát triển khoa học, công nghệ và các công tác khác, từ năm tái lập tỉnh (1992) đến nay, ngành GTVT Ninh Bình đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý:

-   Danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước ngày 31/8/2004.

-   Huân chương Lao động hạng nhì năm 1997; hạng nhất năm 2002;

-   Cờ, bằng khen của Chính phủ tặng đơn vị thi đua xuất sắc về Giao thông vận tải;

-   19 cờ thi đua xuất sắc của Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBATGT Quốc gia.

Không chỉ có vậy, lãnh đạo, CBCNV-LĐ ngành GTVT Ninh Bình còn quan tâm đến công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa, hàng chục sổ tiết kiệm, nhiều căn nhà tình nghĩa được trao cho các gia đình cựu TNXP và cán bộ CNV-LĐ ngành GTVT có hoàn cảnh khó khăn… làm ấm lòng các thế hệ đi trước, yên lòng những CBCNV-LĐ trong Ngành GTVT đã không tiếc tuổi xuân, hy sinh vì Ngành, vì Tổ Quốc.

Ghi nhận và vinh danh những thành tích ngành GTVT Ninh Bình đạt được trong chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, tại lễ kỷ niệm, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tặng bức trướng cho ngành GTVT với nội dung: “70 năm xây dựng và trưởng thành - Đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn và liên tục”

Cũng tại lễ kỷ niệm, Đồng chí Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ GTVT đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải Việt Nam 30 cá nhân trong và ngoài ngành GTVT đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành.

Dũng cảm, quyết liệt, sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó trong giai đoạn mới

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương những thành tích đã đạt được của ngành GTVT trong thời gian qua.Đồng thời yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành GTVT cần tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trước mắt cần hoàn thành tốt kế hoạch đề ra năm 2015, nhất là việc chỉ đạo thi đua nước rút hoàn thành các công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Phấn đấu trong giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải xã hội, đảm bảo chất lượng các công trình với chi phí hợp lý; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch ngành cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước và phát triển vận tải theo hướng hiện đại, liên hoàn, nâng cao hiệu quả kết nối giữa các phương thức vận tải.

Hoàn thành chương trình Cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020, tăng cường công tác quản lý cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ngành GTVT Ninh Bình vì đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2010 – 2014./.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ:

 

 

 

 

Đồng chí Dương Biên Thùy - Nguyên PCT UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở GTVT phát biểu tại buổi Lễ

 

Đồng chí Đoàn Văn Trình - Bí thư Đoàn thanh niên Sở GTVT thay mặt thế hệ trẻ phát biểu tại buổi Lễ.

Nam Dương

Các tin khác
Liên kết website
Một cửa điện tử
Văn bản điện tử
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập

Tổng số: 1766232

Trực tuyến: 4

Hôm nay: 3835

Trong tháng: 3835

Trong năm: 17406